Lịch sử hình thành

Thứ năm - 11/01/2018 11:21
Khoa Tâm lý học tại tầng 1 nhà D
Khoa Tâm lý học tại tầng 1 nhà D
Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu tâm lý học có uy tín nhất trong cả nước. Tiền thân của Khoa là Tổ bộ môn Tâm lý học thuộc Khoa triết học Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1977) với nhiệm vụ giảng dạy môn Tâm lý học đại cương cho sinh viên trong trường.

Ngày 26/09/1991, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ký quyết định số 2494/TCCB về việc thành lập Khoa Xã hội học – Tâm lý học tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Vào thời điểm này, khoa đào tạo song song hai ngành học: cử nhân Tâm lý học và cử nhân Xã hội học. Như vậy, xét từ góc độ đào tạo, khóa cử nhân Tâm lý học đầu tiên được đào tạo từ Trường đại học Tổng hợp (cũ) là K37 (2001).

Ngày 10/12/1997, theo Quyết định số 644/TCCB của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Tâm lý học chính thức trở thành một khoa độc lập, có chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu về Khoa học tâm lý. Đây là cơ sở đầu tiên trong cả nước có chức năng đào tạo cử nhân tâm lý học với hình thức là một chuyên ngành độc lập.

Tại thời điểm thành lập, Khoa Tâm lý học có hai bộ môn là Tâm lý học đại cương và Tâm lý học xã hội, với 7 cán bộ giảng dạy trong đó có 1 phó giáo sư, 3 tiến sĩ và 4 cử nhân tâm lý học. Từ năm 2000 đến 2010, lần lượt ba bộ môn khác được thành lập trong khoa bao gồm: Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học quản lý – kinh doanh và Tâm lý học tham vấn, nâng số bộ môn thuộc khoa lên thành 5 bộ môn chuyên sâu. Năm 2020, bộ môn Tâm lý học đại cương đổi tên thành bộ môn Tâm lý học phát triển. Tính đến năm 2022, tổng số cán bộ của khoa là 20 cán bộ, trong đó có 18 giảng viên và 02 chuyên viên. Số giảng viên cơ hữu hiện nay gồm 01 giáo sư, 8 phó giáo sư, 06 tiến sỹ và 03 thạc sỹ_nghiên cứu sinh. 

Thực hiện mục tiêu phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Tâm lý học xác định rõ sứ mệnh và tầm nhìn phát triển với động lực chủ yếu là gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây