GIẢI NHẤT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN 2021- Đề tài: Mối liên hệ giữa niềm tin vào năng lực của bản thân và stress

Thứ năm - 15/07/2021 19:00
GIẢI NHẤT NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN 2021- Đề tài: Mối liên hệ giữa niềm tin vào năng lực của bản thân và stress
Trong các đề tài tham gia xét Giải thưởng Nghiên cứu Khoa học Sinh viên năm 2021, đề tài Mối liên hệ giữa niềm tin vào năng lực của bản thân và stress của nhóm sinh viên K62 Tâm lý học đã xuất sắc đạt hai giải: Giải Nhất Nghiên cứu khoa học Sinh viên cấp Trường và giải Nhất Nghiên cứu Khoa học Sinh viên cấp Khoa. Hãy cùng nghe nhóm nghiên cứu chia sẻ về nghiên cứu của mình.

Lý do, mục đích của nhóm là gì khi chọn nghiên cứu đề tài “Mối quan hệ giữa niềm tin vào năng lực của bản thân và stress” ?
Đức (Đ) chia sẻ: "Mọi người đọc tên đề tài của nhóm mình cũng thấy là nó rất dài đúng. Với 3 biến “niềm tin năng lực bản thân”, “sự trì hoãn” và “stress trong học tập”. Mình trao đổi các bạn trong nhóm là hiện tại nhóm có ba người, mỗi người chọn một biến nhưng phải vừa thực tế, vừa phổ biến mà gắn liền với nhóm sinh viên cho dễ nghiên cứu và kết quả ra được nghiên cứu của chúng mình."

Với Bình (B) thì cho rằng nhóm chọn đề tài này để nghiên cứu vì stress và sự trì hoãn là những vấn đề phổ biến ở đối tượng sinh viên. Bản thân các thành viên của nhóm cũng là những sinh viên và đều đã trải nghiệm stress cũng như thực hiện hành vi trì hoãn trong học tập ở mức độ nào đó, và cũng đã nhận thấy sự trì hoãn này đã khiến bản thân gặp tình trạng stress.

Nhóm nghiên cứu của các bạn đã tham gia vào hoạt động nghiên cứu này như thế nào?
Đ: Chắc bắt đầu sẽ là từ mình. Mình thì chỉ thích thử một lần tham dự nghiên cứu khoa học, rồi 1 ngày học lớp chuyên ngành lâm sàng, đúng đợt đăng kí nghiên cứu khoa học thì cô Hằng, sau là giảng viên hướng dẫn của chúng mình có hỏi là “Ơ Đức không làm nghiên cứu khoa học à, cô nghĩ em nên nghiên cứu để chuẩn bị cho khóa luận của mình”, nhờ có sự động viên của cô mà mình tham gia, rồi lén đăng kí thêm tên 2 bạn vào danh sách.

B: Nhóm nghiên cứu này bắt đầu tất cả với (là do) Lê Anh Đức – một thành viên rất đam mê nghiên cứu khoa học. Lê Anh Đức đã inbox tới từng thành viên còn lại là mình và Bùi Huyền Thương để thành lập nhóm nghiên cứu. Thời điểm khi đó cũng còn khá thảnh thơi nên mình và Thương đã hồi đáp lời kêu gọi và nhóm nghiên cứu hình thành từ đó.

Huyền Thương (HT): Nghiên cứu khoa học này bắt đầu là do mình và Nguyễn Đăng Bình bị Lê Anh Đức túm cổ đăng kí, một sớm tỉnh dậy thì tự dưng trở thành 1 nghiên cứu viên mà mình chẳng biết gì. Nhưng vì nể nang bạn, và thời điểm đó cũng đang dạt dào năng lượng cống hiến nên tụi mình vẫn đồng ý tham gia. Được một cái là 3 đứa làm việc chung khá ổn nên may mắn là nghiên cứu đã hoàn thành.

Trong thời gian thực hiện nghiên cứu chắc hẳn cả nhóm gặp rất nhiều khó khăn, các bạn có thể chia sẻ đôi điều về quãng thời gian đó không?
Đ: Khó khăn thì nhiều lắm, đây đều là lần đầu của mọi người khi thực sự tham gia vào một cái nghiên cứu mà nên khó khăn từ việc chọn tên đề tài này, chọn xong thì lại đến chọn thang đo này, rồi tổng quan nghiên cứu, rồi bắt đầu phát bảng hỏi này, …. Mỗi cái thì sẽ có những khó khăn riêng

B: Khó khăn gặp phải trong khi nghiên cứu cũng không ít, tuy nhiên thì mình có thể chia ra làm hai nhóm chính. Đầu tiên là từ bản thân nghiên cứu, cụ thể là việc tìm kiếm tài liệu. Nhóm khó khăn còn lại thì có thể nói là từ ngoại cảnh. Thời điểm nghiên cứu được tiến hành vào thời điểm đang diễn ra và ngay sau Tết Âm lịch 2021, vậy nên để tập trung cho nghiên cứu khá là khó khi mà Tết thì nhà bao việc. Điều này không chỉ tác động đến chính các thành viên trong nhóm mà còn ảnh hưởng đến khách thể nghiên cứu nữa, vì tâm lý chung của mọi người đó là Tết vừa xong thì vẫn còn chơi, nghiên cứu gì ở đây. Tuy nhiên các thành viên nhóm cũng đã cố gắng tập trung vào nghiên cứu ngay sau đó. Ngoài ra thì một số thành viên còn có những khó khăn từ phía gia đình cũng ảnh hưởng tới việc làm nghiên cứu, tuy nhiên mình không tiện nêu ra tại đây.

HT: Khó khăn thì nhiều lắm. Đầu tiên là ban đầu nhận lời, lúc đó tương đối rảnh rỗi, nhưng xui sao đăng kí xong được 1 thời gian thì công việc tự dưng ập đến quá trời, nên việc làm nghiên cứu bị hoãn lại vô thời hạn, lúc đó nhóm mình còn nghĩ chắc không thể xong được cái nghiên cứu này, đổi mục tiêu từ "thành công" sang chỉ cần "thành phẩm" để đăng báo là được chứ không kịp đăng kí nghiên cứu khoa học.

Vậy thì cảm xúc của các bạn như thế nào khi biết nhóm đạt được giải Nhất trong mùa Nghiên cứu khoa học này?
Đ: Thực sự, như mình đã nói ở phần lý do chọn đề tài bên trên, nghiên cứu này cả 3 thành viên đều chỉ nghĩ đến việc là “biết làm”, tức là biết cách thực hiện, biết 1 quy trình làm nghiên cứu như thế nào và để chuẩn bị cho khóa luận, tên nhóm chat cũng là “nghiên cứu khoa học sẽ thành phẩm” mà tức chỉ cần có sản phẩm thôi, nhưng giờ lại được giải, rồi lại còn là giải nhất nữa thì thật bất ngờ, rất mừng luôn

B: Ban đầu nhóm mình không nghĩ đến giải thưởng gì cả, đôi khi còn nghĩ chắc chỉ có thể đến mức hoàn thành là ổn lắm rồi. Tuy nhiên khi nghiên cứu được giải, và còn là giải nhất, sự ngạc nhiên và niềm vui là không thể tránh khỏi.

HT: Đầu tiên chắc là không ngờ. Tại vì mùa NCKH năm nay đề tài nào cũng rất thú vị và được tiến hành kì công. Ban đầu nhóm chỉ nghĩ là làm NCKH để có kinh nghiệm cho khoá luận sắp tới thôi, nên quá trình làm cũng không kì vọng quá nhiều vào giải thưởng.

Các bạn có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân khi làm Nghiên cứu khoa học cho các bạn tham gia những mùa giải tới không?
Đ: NCKH sinh viên nó là 1 cuộc thi, nhưng mình nghĩ nó cũng phải vui đã thì các bạn mới có hứng làm. Chình vì vậy nên kinh nghiệm là hãy chọn những vấn đề hay là các biến nào các bạn thích thú muốn tìm hiểu, càng gắn với bản thân càng tốt, ngoài ra thì nên làm theo nhóm 2- 3 người để có đứa chia sẻ với mình, có người hỗ trợ mình trong công việc

B: Kinh nghiệm của bản thân mình rút ra khi làm nghiên cứu khóa học đó là nhóm cần có một người hiểu rõ về quy trình nghiên cứu. Điều này rất quan trọng, người đó sẽ đảm nhận trách nhiệm điều tiết công việc cho cách thành viên. Nhóm mình thì có Lê Anh Đức – một người vốn rất thích thú với nghiên cứu khoa học, bên cạnh đó rất hiểu về cách để xử lý dữ liệu bằng các phần mềm từ thông dụng như SPSS đến nâng cao hơn như AMOS. Lê Anh Đức đã lãnh trách nhiệm nhóm trưởng cũng như người xử lý dữ liệu, thực hiện phân công công việc đến mình và bạn Thương. Khi gặp phải những khó khăn, như mình đã nêu ra một số phía trên, Lê Anh Đức cũng đã là người động viên tinh thần cả nhóm, không cho phép bất kì ai bỏ cuộc. Vậy nên mình nghĩ một thành viên như vậy là rất quan trọng đối với một nhóm nghiên cứu khoa học.

HT: Mình nghĩ là các bạn trước tiên hãy làm với những người bạn mà có sự phối hợp ăn ý với mình, hợp tính nhau một chút thì quá trình làm sẽ không cảm thấy quá nản và muốn bỏ cuộc, quan trọng là có người trưởng nhóm thật quyết tâm và luôn đốc thúc mọi người như Lê Anh Đức. Và hãy giữ cho tinh thần thật thoải mái kể cả những lúc căng thẳng, căng thẳng một cách thoải mái ấy.

Chúng mừng các bạn có một mùa nghiên cứu khoa học thành công. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để tham gia phỏng vấn và có những chia sẻ thú vị về đề tài cũng như quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học của nhóm. Khoa Tâm lý học mong rằng các bạn, những sinh viên ưu tú sẽ thực hiện được những dự định, kế hoạch của mình và thành công trong cuộc sống.

Hi vọng những lời chia sẻ này cũng sẽ tiếp thêm động lực cho các bạn sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học vào những mùa giải sau.

Các bạn có mong muốn tìm hiểu kĩ hơn về đề tài có thể liên hệ theo địa chỉ email: anhducle1011@gmail.com (Lê Anh Đức)

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây