Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu tại VNU-USSH: Thống nhất Dự thảo Quy chế tổ chức & hoạt động trên cơ sở tư vấn của ĐH Indiana (Hoa Kỳ)

Thứ ba - 18/07/2023 15:13
Chiều ngày 07/7/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã tổ chức buổi báo cáo các kết quả đạt được về xây dựng Dự thảo Quy chế tổ chức & hoạt động Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu tại VNU-USSH sau thời gian làm việc với các chuyên gia của Đại học Indiana (Hoa Kỳ).
Về phía nhà trường có sự tham dự của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường, TS. Trịnh Văn Định - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học cùng lãnh đạo phòng Đào tạo, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hợp tác & phát triển, Khoa Nhân học, Khoa Tâm lý học, Xã hội học.
Về phía Đại học Indiana có sự tham dự của Tiến sĩ Richard Hopper - Giám đốc dự án PHER, Tiến sĩ John Baumann - Phó Chủ tịch phụ trách Tuân thủ nghiên cứu, Văn phòng Tuân thủ Nghiên cứu, Trường Đại học Indiana, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Quản lý Dự án PHER.
 

VNU-USSH không ngừng đổi mới quản trị giáo dục đại học theo tiêu chuẩn thế giới và thúc đẩy công bố quốc tế
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết, với sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá tri thức về Khoa học xã hội và nhân văn, Nhà trường luôn coi trọng việc hợp tác với các tổ chức giáo dục và nghiên cứu quốc tế, các nhà khoa học uy tín. Trong đó, việc hợp tác với dự án PHER (*) và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) (**) có ý nghĩa rất quan trọng trong việc học hỏi kinh nghiệm quản trị giáo dục hiện đại, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và kiểm định các chương trình đào tạo.
 
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho biết Nhà trường luôn coi trọng việc hợp tác với các tổ chức giáo dục và nghiên cứu quốc tế, các nhà khoa học uy tín, trong đó có việc hợp tác với dự án PHER và Đại học Indiana (Hoa Kỳ)
 
Tiến sĩ Richard Hopper - Giám đốc dự án PHER cam kết Dự án sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động công bố quốc tế của cộng đồng các nhà khoa học VNU-USSH
 
Tiến sĩ Richard Hopper - Giám đốc dự án PHER hoan nghênh tâm huyết của Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và các cán bộ, giảng viên VNU-USSH trong việc tích cực đổi mới quản trị đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đại diện dự án PHER cũng cam kết đồng hành cùng VNU-USSH trong việc thúc đẩy hoạt động công bố quốc tế, từ đó các giá trị khoa học trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của nhà trường sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng quốc tế.
Tiến sĩ Richard Hopper nhấn mạnh, những thành tựu mà Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã và đang đạt được sẽ là di sản quý giá để các thế hệ các nhà khoa học, sinh viên, học viên được tiếp cận, kế thừa và phát huy.
 
Tiên phong xây dựng mô hình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu tại Việt Nam
Tại buổi làm việc, đại diện Đại học Indiana đánh giá cao việc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một trong những trường đại học tiên phong tại Việt Nam triển khai thành lập Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu.
Với mô hình mới mẻ này, các nhà khoa học của VNU-USSH đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Quy chế tổ chức & hoạt động Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu. Cùng với sự hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia của Đại học Indiana, sau nhiều cuộc làm việc và trao đổi giữa hai bên, bản Dự thảo đã được thảo luận, thống nhất với nhiều nội dung quan trọng.
 
Tiến sĩ John Baumann - Phó Chủ tịch phụ trách Tuân thủ nghiên cứu, Văn phòng Tuân thủ Nghiên cứu, Trường Đại học Indiana đánh giá cao việc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một trong những trường đại học tiên phong tại Việt Nam triển khai thành lập Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu.
 
Theo đó, Hội đồng đạo đức có chức năng đánh giá độc lập các khía cạnh đạo đức trong các nghiên cứu với đối tượng là con người. Hội đồng đạo đức bao gồm 9 thành viên do Hiệu trưởng ra quyết định, gồm Chủ tịch hội đồng, 7 Ủy viên (trong đó có 01 ủy viên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội) và Thư ký hội đồng.
Hội đồng đạo đức có nhiệm vụ tổ chức xem xét, đánh giá các khía cạnh đạo đức trong các nghiên cứu với đối tượng là con người; chấp thuận, hoặc không chấp thuận, đề xuất điều chỉnh (nếu cần) đối với các nghiên cứu, theo dõi việc tuân thủ các quy định về đạo đức trong nghiên cứu đã được Hội đồng đạo đức phê duyệt; thực hiện lưu trữ và quản lý hồ sơ về khía cạnh đạo đức của các nghiên cứu được Hội đồng đạo đức phê duyệt.
 
Dự thảo Quy trình xem xét và đánh giá nghiên cứu của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN
Đối tượng áp dụng được xác định trong bản dự thảo Quy chế tổ chức & hoạt động Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu là cán bộ, giảng viên, người học tiến hành những nghiên cứu với đối tượng nghiên cứu là con người do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN quản lý; là các cá nhân, tổ chức ngoài Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có yêu cầu và được Hội đồng đạo đức chấp thuận đánh giá.
Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Hội đồng đạo đức là tổ chức uy tín, là nơi đảm bảo các giá trị khoa học, đạo đức đối với các công trình nghiên cứu mà tổ chức này thẩm định, công nhận trước cộng đồng khoa học quốc tế.
Tại buổi làm việc, các giảng viên, cán bộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã có nhiều thảo luận với các chuyên gia của dự án PHER về các điều khoản trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu tại VNU-USSH. Các chuyên gia của PHER cũng đã chia sẻ kinh nghiệm để các nhà khoa học VNU-USSH chuẩn bị kỹ càng các điều kiện để phù hợp với tiêu chí đánh giá của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu.
Dự kiến, sau khi Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu tại VNU-USSH được ban hành, đại diện dự án PHER sẽ tổ chức chương trình tập huấn tới các thành viên Hội đồng và các giảng viên, cán bộ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Với vị thế là trường đại học nghiên cứu đa ngành và liên ngành, đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu ngành, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã phát triển một số ngành, chuyên ngành đào tạo mới, tiên phong đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản của đất nước đạt trình độ khu vực và quốc tế. Các nhà khoa học của VNU-USSH có nhiều nghiên cứu quan trọng trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với các công bố khoa học trong nước và quốc tế giá trị. Vì vậy việc thành lập Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu cũng như hoạt động hợp tác với dự án PHER sẽ góp phần khai thác các thế mạnh của Nhà trường, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa năng lực nghiên cứu quốc tế và uy tín của các nhà khoa học VNU-USSH trong thời gian tới.
 
 

* Dự án PHER nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Đại học Đà Nẵng) phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Dự án do USAID tài trợ theo hình thức hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại và giao cho Đại học Indiana, Hoa Kỳ làm đơn vị thực hiện.  
** Đại học Indiana (IU) là đại học công lập, đi sâu nghiên cứu về xã hội và các ngành khoa học, là trường đại học đứng đầu các trường đại học trên thế giới về đào tạo y học và công nghệ. IU tìm kiếm hợp tác năng động sáng tạo với các tổ chức địa phương, trong bang trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và để đào tạo khả năng lãnh đạo trong việc giải quyết các vấn đề của thế kỷ 21 bằng các giải pháp thông minh, sáng tạo.

Nguồn tin: ussh.vnu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây