Nhận diện và ứng phó lành mạnh với Stress tuổi học trò

Thứ ba - 19/09/2023 15:54
Ngày 29/8/2023, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức một buổi tọa đàm “Nhận diện và ứng phó lành mạnh với Stress tuổi học trò và định nghĩa bản thân, bản sắc cá nhân” cho học sinh trường THPT Chuyên KHXH&NV.
Tham dự tạo đàm có PGS.TS Nguyễn Quang Liệu (Hiệu trưởng trường THPT Chuyên KHXH), ThS Nguyễn Thị Tuyết Mai (Phó Trưởng phòng CT&CTHSSV, trường ĐHKHXH&NV), hơn 500 em học sinh của trường THPT Chuyên.
Đặc biệt talk show có sự đồng hành của hai diễn giả những chuyên gia về tham vấn, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và thanh thiến niên đến từ Khoa Tâm lí học: PGS.TS Trần Thu Hương, TS Nguyễn Bá Đạt.
 
img 2193

Không khí của buổi trò chuyện ngay từ đầu đã rất cởi mở, hứng khởi bởi cách trò chuyện vô cùng hài hước, thân thiện, gần gũi của hai diễn giả. Mặc dù đề cập đến những kiến thức chuyên môn rất sâu về tâm lí học, sức khỏe tâm thần,… nhưng lại được hai thầy cô truyền đạt hết sức giản dị, dễ hiểu thông qua những ví dụ quen thuộc trong cuộc sống đời thường của các em. Chính vì vậy, trong gần 3 tiếng đồng hồ các diễn giả vừa trao đổi, vừa nhận được sự tương tác, phản hồi rất tích cực từ phía các em học sinh.
 
img 2094

Trong phần chia sẻ của mình, TS Nguyễn Bá Đạt nhấn mạnh: Sự biến đổi về tâm sinh lý giai đoạn vị thành niên cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của giới trẻ. Giai đoạn này, sợi dây ràng buộc với gia đình các em trở nên giãn ra, các em không còn gần gũi, hay tâm sự nhiều với bố mẹ như lúc còn nhỏ. Nhận thức về các vấn đề xã hội cũng sâu sắc, tư duy nhạy bén hơn, tiếp xúc môi trường rộng lớn hơn nên trẻ thích tranh cãi, phản kháng người lớn, và đôi khi các em nghĩ đó là cách để thể hiện bản thân, chứng minh vị trí quan trọng của mình. Khi phát hiện những khiếm khuyết của cha mẹ, bạn bè, hay khi không đạt được kì vọng các em dễ trở nên thất vọng, chán chường, suy nghĩ tiêu cực. Học sinh phải đối mặt với học tập, vấn đề lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, với những kỳ thi cam go, những thử thách của xã hội dẫn đến những lo lắng, bất an, stress về tâm lý. Nếu các em nhận biết và ứng xử một cách lành mạnh, cùng với sự gần gũi, chia sẻ của gia đình, bạn bè, thầy cô, những cảm xúc tiêu cực sẽ qua đi nhanh chóng. Tuy nhiên trên thực tế, có những trường hợp tình trạng stress diễn ra trong thời gian dài. Và rất nhiều bố mẹ đưa các con đến gặp chuyên gia chỉ khi các vấn đề đã nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả trị liệu.
img 2169

PGS.TS Trần Thu Hương chia sẻ: Tuổi thanh thiếu niên (15 – 24 tuổi) là thời điểm phát triển khỏe mạnh nhất về mặt thể chất trong cuộc đời trước khi gặp những suy giảm ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong nói chung tăng 200-300% ở giai đoạn giữa thời thơ ấu (10-14 tuổi) và tuổi vị thành niên (15-19 tuổi). Tuổi thanh thiếu niên cũng báo hiệu tỷ lệ cao các hành vi nguy cơ, sự tìm kiếm cảm giác và hành vi thất thường, có ảnh hưởng về mặt cảm xúc.

Trong quá trình trao đổi, PGS.TS Trần Thu Hương đã đưa ra một số câu hỏi, bài tập, mini game và nhận được sự tương tác, chia sẻ khá cởi mở từ các em học sinh THPT Chuyên về những vấn đề mà các em gặp phải khi bước vào giai đoạn dậy thì, đặc biệt khi đối mặt thi cử, học tập căng thẳng, trong đó phổ biến lo âu, mệt mỏi, chán nản, thất vọng. Và mỗi khi rơi vào tình trạng đó, học sinh thường có tâm lí thu mình, không muốn tiếp xúc, trò chuyện với ai và thường tìm đến game, những trò giải trí trên mạng và những người bạn trên mạng xã hội mà mình không hề quen biết. PGS.TS Trần Thu Hương cảnh báo: đó không phải là giải pháp mà càng làm cho tình trạng trở nên xấu hơn, thậm chí dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Vậy đâu là giải pháp giúp với các em học sinh THPT tự đối mặt và vượt qua một cách lành mạnh với những rối loạn tâm thần phổ biến ở tuổi vị thành niên? Trước hết, các em cần có một sức khỏe tốt, lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực. Bên cạnh đó, cần tăng cường giao tiếp, trò chuyện, chia sẻ trực tiếp với bố mẹ, bạn bè, thầy cô; tránh xa những chất kích thích, mặt trái, tiêu cực của mạng xã hội.
Buổi tọa đàm đã thành công vượt ngoài mong đợi của Ban tổ chức khi nhận được sự tham gia chia sẻ tích cực từ các em học sinh. Vượt qua cảm giác e ngại ban đầu, với cách trò chuyện nhẹ nhàng, gần gũi, hai diễn giả đã khiến các em hoàn toàn tin tưởng và chia sẻ những điều còn băn khoăn. Khi đã biết được các em đang gặp những vấn đề gì về tâm lí, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp, tư vấn để giúp các em đối mặt và vượt qua một cách thành công.
 
toa dam truong chuyen 1

Đúng như lời chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang Liệu: “Buổi tọa đàm hôm nay thực sự là một hoạt động vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với các em học sinh mà còn với thầy cô trường THPT Chuyên KHXH&NV. Bởi qua những buổi trò chuyện cởi mở như thế này, các thầy cô biết được học sinh của mình đã, đang và sẽ đối mặt với những biến đổi tâm lí tuổi dậy thì, để cùng làm bạn với các em, giúp các em vượt qua những cảm xúc tiêu cực đó một cách thành công. Qua gần 3 tiếng đồng hồ, các em học sinh đã được trang bị nhiều kiến thức rất bổ ích về tâm lí lứa tuổi học trò, về cách đối diện và vượt qua stress thông qua những tình huống, câu chuyện sinh động xung quanh cuộc sống của các em”. Hiệu trưởng Nguyễn Quang Liệu thay mặt cán bộ, học sinh của Trường gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Giám hiệu trường ĐHKHXH&NV, các phòng ban, các khoa và cá nhân PGS.TS Trần Thu Hương, TS Nguyễn Bá Đạt đã chung tay tổ chức những hoạt động hết sức ý nghĩa này.

Nguồn tin: ussh.vnu.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây