Tính đến năm 2023, Khoa đã đào tạo 27 khóa SV chính quy hệ chuẩn (từ K38 đến K64) và 06 khóa SV chính quy hệ chất lượng cao (từ K59 đến K64) với tổng số sinh viên tốt nghiệp là gần 1800 cử nhân, đào tạo 22 khóa thạc sĩ Tâm lý học định hướng nghiên cứu, 06 khóa thạc sỹ Tâm lý học lâm sàng định hướng ứng dụng và 16 khóa tiến sỹ Tâm lý học.
Hàng năm số lượng SV đầu vào trung bình là từ 80 - 100 SV. Tuy nhiên, nhằm tăng cường cơ hội việc làm cho sinh viên, khoa đã tổ chức đào tạo theo định hướng chuyên ngành cho SV với 4 định hướng chuyên ngành vào học kỳ 7 của tiến trình đào tạo. Theo đó, SV được lựa chọn 1 trong 4 định hướng chuyên ngành cụ thể là tâm lý học lâm sàng, tâm lý học tham vấn, tâm lý học xã hội và tâm lý học quản lý - kinh doanh.
Đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và hợp tác quốc tế, NCKH đã trở thành hoạt động bắt buộc của giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và SV trong Khoa. Hiện nay, kết quả các đề tài nghiên cứu các cấp (cấp cơ sở, cấp Bộ) của cán bộ trong Khoa đều đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo và phục vụ xã hội. Khoa thường xuyên tổ chức các tọa đàm, hội nghị, hội thảo,… có sự tham gia của các cán bộ, học viên, SV trong Khoa và các nhà khoa học trong nước và ngoài nước.
Bên cạnh hoạt động đào tạo và NCKH, Khoa tâm lý học cũng rất chú trọng mở rộng hợp tác trong và ngoài nước. Cụ thể: Về hợp tác trong nước, Khoa có hợp tác với các trường đại học (ĐHKHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Lao động xã hội, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội ); các cơ quan nhà nước (Viện Tâm lý học, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, Viện Nhi trung ương, ...); các tổ chức khác (Hội quản trị các nhà doanh nghiệp Việt Nam,...). Đối với hợp tác quốc tế, khoa hiện có hợp tác với Đại học Gdansk (Ba Lan), Đại học Campinas (Brasil), Đại học Aix-Marseille (Pháp), Đại học tổng hợp Olso (Nauy), Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonoxop, Đại học Sư phạm Lê-nin (Nga), Viện Marie-Hapes (Bỉ), Đại học Texas (Mỹ), Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc)... Đặc biệt, Khoa có hơn 20 năm hợp tác với các nhà tâm lý học của Đại học Toulouse Jean Jaurès, Cộng hòa Pháp dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Đại học Pháp ngữ (University Agency of Francophone), Đại sứ quán Pháp, Hội vì sự Phát triển Giáo dục học và Tâm lý học ở Đông Nam Á (Association for the Development of Education and Psychology in Southeast Asia).
Một trong các mục tiêu được khoa hết sức ưu tiên trong lĩnh vực hoạt động khoa học là tổ chức và đồng tổ chức hội thảo quốc tế. Trong thời gian qua, khoa đã tổ chức và đồng tổ chức thành công 12 hội thảo quốc tế lớn, quy tụ nhiều nhà tâm lý học có uy tín trong và ngoài nước như hội thảo “Nhu cầu, định hướng và đào tạo tâm lý học đường tại Việt Nam” tháng 11/2010; “Thực trạng tổn thương tâm lý của nạn nhân chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và mô hình trợ giúp”, tháng 03/2010, “Đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng tâm lý học trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, tháng 11/2012; "Sang chấn tâm lý và các hoạt động trợ giúp" tháng 11/2016; Hội thảo Tâm lý học khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất “Hạnh phúc con người và sự phát triển bền vững”, tháng 11/2017; hội thảo "Hành vi sức khỏe trong xã hội hiện đại", tháng 11/2019; hội thảo "Thế giới trong khủng hoảng: Sự đóng góp của Tâm lý học", tháng 12/2022. Các hội thảo này giúp Khoa mở rộng hơn nữa hợp tác quốc tế và từng bước hội nhập với nền Tâm lý học trong khu vực và quốc tế.
Sinh viên theo học tại Khoa được hỗ trợ thông tin về chỗ ở, địa chỉ việc làm, thực tập, thực tế và các tư vấn khác nếu có nhu cầu. Ngoài ra, SV có cơ hội nhận học bổng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước như học bổng YAMADA, POSCO, CHUNG-SOO, MITSUBISHI, PONYCHUNG, THAKRAL-IN SEWA, BIDV...
Hiện nay, Khoa Tâm lý học đang vận hành 3 CTĐT hệ cử nhân (hệ chuẩn, hệ CLC và hệ VLVH), 1 CTĐT thạc sĩ định hướng nghiên cứu, 1 CTĐT thạc sĩ tâm lý học lâm sàng định hướng ứng dụng và 1 CTĐT tiến sĩ. Khoa cũng đã xây dựng các CTĐT ngắn hạn cho các đối tượng có nhu cầu về các kiến thức và kĩ năng tâm lý, đào tạo kỹ năng mềm và mở các lớp chuyển đổi cho những đối tượng có nhu cầu theo học các chương trình sau đại học. Khoa đã hoàn thiện việc chuyển đổi từ CTĐT theo niên chế sang CTĐT theo tín chỉ và bắt đầu triển khai chương trình này cho SV Khóa K52 (QH- 2007 - X), xây dựng CĐR cho CTĐT từ năm 2012 và liên tục điều chỉnh, cập nhật CTĐT theo yêu cầu của ĐHQGHN và Nhà trường.
Môi trường giáo dục, đào tạo có tương tác kết hợp nghiên cứu khoa học tạo điều kiện thuận lợi để người học có thể phát huy tối đa tính sáng tạo, hiểu biết và kỹ năng của bản thân trong quá trình đào tạo cũng như hội nhập nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa thường xuyên trao đổi với các nhà tuyển dụng nhằm điều chỉnh các CTĐT phù hợp với thực tiễn xã hội. Sau khi tốt nghiệp, học viên và SV của Khoa có thể làm việc ở các vị trí như giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia tham vấn tâm lý, đánh giá sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý học đường … trong các cơ sở như bệnh viện, trường học, các trung tâm chăm sóc - can thiệp tâm lý, các dự án của các tổ chức NGOs …
Một số cơ sở đối tác thực tập tin cậy của khoa:
- Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em _Cục trẻ em
- Viện Sức khỏe tâm thần Quốc Gia _Bệnh viện Bạch Mai
- Khoa Sức khỏe vị thành niên_Bệnh viện Nhi Trung Ương
- Khoa Sức khỏe tâm thần_ Bệnh viện E
- Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1
- Học viện Cảnh Sát
- Phòng khám Ngọc Minh
- Tổ chức HAGAR
- Trường THPT FPT
- Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Bình Minh
- Viện nghiên cứu và thực hành tâm lý Lumière
...
...