Khoa Tâm lý họchttps://psy.ussh.vnu.edu.vn/uploads/psy/logo_banner2.png
Thứ ba - 31/10/2023 10:40
Ngày 29 - 30/10/2023, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (VNU-USSH) đã tổ chức Hội nghị Công tác đào tạo năm 2023 với sự tham dự của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa/viện/trung tâm và các phòng chức năng.
Hội nghị được tổ chức thành hai phiên, bao gồm các nội dung: Tổng kết công tác tuyển sinh và đào tạo năm 2022-2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 và vấn đề công nghệ số trong đào tạo; Công tác tuyển sinh và quản lý, tổ chức đào tạo đại học, sau đại học… Các đại biểu sau khi nghe các tham luận đã tập trung thảo luận và góp ý với các trọng tâm điều chỉnh trong công tác quản lý và tổ chức đào tạo của Nhà trường.
Bức tranh về hoạt động đào tạo có nhiều điểm sáng
Điểm lại các hoạt động tuyển sinh, đào tạo năm 2023, PGS.TS. Bùi Thành Nam - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, hoạt động tuyển sinh của Trường ĐH KHXH&NV năm qua là điểm sáng trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Đến nay, Trường ĐHKHXH&NV đã hoàn tất công tác xét tuyển đại học chính quy năm 2023 với số lượng thí sinh nhập học là 2.023 thí sinh (gồm cả học sinh dự bị đại học dân tộc và lưu học sinh nước ngoài), đạt 101.15% so với chỉ tiêu đã công bố.
Tuyển sinh tiến sĩ của VNU-USSH đang thu hút số lượng lớn nghiên cứu sinh học tập, đặc biệt ở các ngành học như: Ngôn ngữ học, Triết học, Chính trị học... Nhà trường đã tổ chức nhập học tập trung theo đúng kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và ĐHQGHN.
Công tác tổ chức đào tạo giữ vững sự ổn định, đảm bảo sự vận hành theo đúng quy chế hiện hành trên tất cả các bậc học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo cần tiếp tục được tăng cường như xây dựng kênh phản hồi học phần, công cụ hỗ trợ cố vấn học tập trong việc thực hiện nghiệp vụ…Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đã khẳng định được uy tín, thương hiệu để người học tự hào được học tập tại môi trường giáo dục chất lượng, nghiêm túc.
Tăng cường năng lực quản trị đại học số và đào tạo trực tuyến tại VNU-USSH
TS. Đào Minh Quân - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và CNTT, Trường ĐH KHXH&NV cho biết, chuyển đổi số là chủ trương lớn được Ban giám hiệu nhà trường quyết liệt chỉ đạo thực hiện và đã đạt được nhiều thành công. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID diễn biến phức tạp. VNU-USSH được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong ĐHQGHN về chuyển đổi số. Hoạt động chuyển đổi số trong quản trị đại học tại Trường ĐHKHXH&NV trong nhiều năm qua tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý tổ chức giáo dục và chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập. Nhà trường đã áp dụng các phần mềm quản lý đào tạo và quản lý người học hiện đại kể từ khi chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, xây dựng cổng thông tin hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính một cửa cho sinh viên, giảm tối đa việc sinh viên phải tới thực hiện giao dịch trực tiếp tại các phòng chức năng của Trường; triển khai cổng thông tin việc làm trực tuyến; đồng bộ hệ thống quản lý văn bản điều hành VNU - Eoffice; phần mềm đăng ký và quản lý đề tài nghiên cứu khoa học; nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên và sinh viên...Tuy nhiên, hiện nay năng lực hạ tầng công nghệ thông tin của Trường đang dần lạc hậu; Hệ thống máy chủ chưa đáp ứng được yêu cầu; Chưa có hệ thống sao lưu backup dữ liệu tự động; Nguy cơ mất an ninh an toàn đang hiện hữu. Do vậy, Trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong quản trị đại học. Phân bổ ngân sách và nguồn lực đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống máy chủ, hệ thống sau lưu backup dữ liệu tự động nhằm đảm bảo cho hệ thống quản lý đào tạo và quản lý học sinh sinh viên hoạt động ổn định; Nâng cấp mở rộng hệ thống wifi đến tất cả các đơn vị đào tạo; Ứng dụng AI trong hỗ trợ và tư vấn cho sinh viên; Xây dựng và cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên trong quá trình chuyển đổi số; Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn và tư vấn để hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên trong quá trình sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Nâng cao hoạt động đào tạo và chính sách với các ngành khoa học cơ bản
PGS.TS. Đặng Hồng Sơn - Phó trưởng Khoa Lịch sử phác thảo bức tranh chung của công tác tuyển sinh, đào tạo ngành khoa học cơ bản. Thời gian qua, nhà trường kiên trì hai định hướng khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng cùng song hành tồn tại trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học luôn gặp không ít khó khăn, thách thức… PGS.TS Đặng Hồng Sơn cũng bày tỏ sự cảm kích đối với các chính sách đãi ngộ gần đây của ĐHQGHN và Trường Đại học KHXH&NV đối với sự duy trì niềm đam mê và khát vọng của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các ngành khoa học cơ bản. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng “ĐHQGHN và Nhà trường tiếp tục có những chính sách và hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và đặc thù hơn nhằm tạo một môi trường phát triển tốt nhất cho sự đam mê và khát vọng cống hiến của thầy - trò thuộc các chương trình đào tạo khoa học học cơ bản trong Trường Đại học KHXH&NV được vun cao, thăng hoa và tỏa sáng”.
Giải pháp đồng bộ để hoàn thiện, nâng cao chất lượng đào tạo
Từ những báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi của các đại biểu, Hội nghị Công tác đào tạo năm 2023 đã thống nhất nhiều giải pháp nhằm nâng cao và hoàn thiện hoạt động đào tạo của nhà trường. Trong đó, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn, đổi mới quy trình quản lý đào tạo của Nhà trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả và khoa học, đảm bảo vận dụng phù hợp các quy chế đào tạo hiện hành. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức đào tạo và tư vấn người học. Xây dựng môi trường làm việc "Chuyên nghiệp - Thân thiện - Hiệu quả".
Nhà trường tiếp tục điều chỉnh lịch trình đào tạo của bậc đại học theo toàn khóa, từng học kỳ nhằm rút ngắn thời gian đào tạo, hướng tới mục tiêu sinh viên học 3-3,5 năm/ 1 bằng đại học; 4-5 năm/ 2 bằng cử nhân hoặc 1 bằng cử nhân, 1 bằng thạc sĩ. Tiếp tục tạo cơ chế linh hoạt nhằm thu hút sinh viên tham gia làm khóa luận tốt nghiệp.
Phòng Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới công tác kiểm tra - đánh giá, tăng cường giao quyền cho giảng viên trong công tác kiểm tra - đánh giá.
Trong thời gian tới, VNU-USSH sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo trực tuyến theo hướng phát huy những điểm tích cực của đào tạo trực tuyến trong việc tổ chức đào tạo. Các đơn vị chủ động tích cực xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, học liệu số, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các học phần giảng dạy trực tuyến đạt tỷ lệ từ 20% tổng số học phần được mở.
Mở rộng quy mô đào tạo ngành thứ 2 ở bậc đại học. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình và tuyển sinh ngành 2 ở tất cả các ngành đào tạo của Trường.
Tăng cường công tác truyền thông về các chương trình đào tạo để thu hút người học đăng ký học tập tại nhà trường.