Khoa Tâm lý họchttps://psy.ussh.vnu.edu.vn/uploads/psy/logo_banner2.png
Thứ năm - 25/10/2018 06:54
Sáng ngày 24/10/2018, Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tổ chức buổi gặp mặt với đại diện Cơ sở thực tập của Khoa và Nhà tuyển dụng. Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS.TS Trương Thị Khánh Hà (Trưởng khoa) vui mừng chào đón sự có mặt của các đại diện cơ sở thực tập và nhà tuyển dụng. Đây là cơ hội để Khoa Tâm lý học nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ các đại diện đang trực tiếp tiếp nhận sinh viên của khoa đến thực hành và làm việc sau khi ra trường. Điều này góp phần thiết thực vào việc điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo và quảng bá hình ảnh của Khoa với cộng đồng xã hội.
Nhân dịp này, PGS.TS.Trịnh Thị Linh (Phó Trưởng khoa) đã thông tin tới các đại diện khách mời về nội dung chương trình đào tạo hiện hành của Khoa Tâm lý học và một số thay đổi cơ bản trong thời gian qua.
Tại buổi gặp gỡ, đại diện các cơ quan thực tập và nhà tuyển dụng đã trao đổi nhiều ý kiến xoay quanh hoạt động thực tập chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho sinh viên khoa Tâm lý học trong tương lai. Về khía cạnh kiến thức chuyên môn, đại diện các cơ sở đều cho rằng sinh viên khoa Tâm lý học có sự chuẩn bị tốt kiến thức trước khi thực tập: các em nắm rõ lý thuyết và các yêu cầu cơ bản (các kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp...) được học từ giảng đường trước khi làm việc với thân chủ. Đặc biệt đối với sinh viên chương trình chất lượng cao, các em có sự chủ động và khả năng ngoại ngữ tốt nên hiệu quả công việc cao hơn. Bên cạnh đó, sinh viên đến thực tập tại các cơ sở đều có thái độ học hỏi, nhiệt tình và hăng hái tham gia công việc dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Bên cạnh đó, một số khó khăn của sinh viên gặp phải trong quá trình thực tập đó là việc áp dụng kiến thức vào thực hành còn chưa linh hoạt. Mặc dù sinh viên đã nắm chắc các kỹ năng cơ bản nhưng còn lúng túng trong việc trao đổi với thân chủ. Bởi có nhiều ca khác nhau, tình huống đa dạng nên sinh viên cần nhiều thời gian để học hỏi và trải nghiệm để nâng cao kiến thức nghề nghiệp thực tế. Ngoài ra, một số thân chủ muốn chia sẻ khó khăn tâm lý riêng với chuyên gia (cán bộ tâm lý của các cơ sở), nên cũng hạn chế cơ hội được tiếp cận thực hành của sinh viên.
Để nâng cao hơn nữa hoạt động thực tập, các ý kiến cho rằng, cần tăng thời lượng thực tập của sinh viên chuyên ngành bởi sinh viên cần thời gian thực hành và trải nhiệm nhiều hơn. Giảng viên và cán bộ giám sát cơ sở thực tập cần phối hợp chặt chẽ hơn để hỗ trợ sinh viên kịp thời. Đại diện một số quan tuyển dụng cho rằng, trên thực tế, nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học là tương đối lớn, Nhà trường và Khoa cần đào tạo tăng tính thực hành cho sinh viên, đặc biệt là cần đẩy mạnh chương trình đào tạo các lớp chất lượng cao và tăng cường kiến thức ngoại ngữ chuyên ngành. Thêm vào đó, chương trình đào tạo và thời lượng học cần điều chỉnh hợp lý hơn để khuyến khích các sinh viên từ năm thứ 2 có thể đến cơ sở thực tập học hỏi để hiểu hơn về nghề. Những điều này rất hữu ích đối với sinh viên ngành Tâm lý học khi ra trường.
Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS Trương Thị Khánh Hà, đại diện Ban chủ nhiệm Khoa ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ hợp tác của các cơ quan thực tập và tuyển dụng. Khoa sẽ cố gắng đồng bộ và đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa yêu cầu của cơ sở thực tập, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên đến thực tập. Nhà trường và Khoa sẽ có nhiều buổi gặp mặt đại diện các cơ sở thực tập, các nhà tuyển dụng để lắng nghe các ý kiến góp ý nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình đào tạo ngành Tâm lý học.