PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục phát biểu ý kiến
Bác sĩ Phạm Công Huân (Viện Sức khoẻ Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Viện đã thành lập Khoa Tâm lý học lâm sàng được 3 năm và là nơi đón tiếp các học viên, NCS của Khoa đến thực hành, thực tập. Tuy nhiên, thời gian thực hành chỉ kéo dài 1-2 tháng thì quá ngắn, NCS chưa kịp làm quen với công việc và không kịp xây dựng các hồ sơ bệnh án cho từng ca. ThS. Nguyễn Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu tâm lý người nghiện ma tuý) cũng đồng tình với quan điểm cần tăng thời gian thực hành tại các cơ sở của học viên, để các em không chỉ nắm được về kỹ thuật tư vấn tâm lý mà còn “ngấm” cả những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp thông qua quá trình thực hành tư vấn cho đối tượng. Chị Hà cũng đề nghị cần gắn kết hơn giữa có sở thực tập và giảng viên hướng dẫn và gợi ý Khoa nên mở thêm những hướng chuyên ngành hẹp đào tạo theo nhu cầu thật sự của các cơ sở như tư vấn, trị liệu điều trị cho người nghiện… GS.TS Nguyễn Hữu Thụ (Khoa Tâm lý học) cho rằng, Khoa nên có những đánh giá lại hoạt động đào tạo SĐH, kết hợp với tham khảo sát CTĐT Tâm lý học của các nước tiên tiến trên thế giới để xây dựng nên những CTĐT mang đậm bản sắc của Khoa, phù hợp với xu thế thế giới và thu hút người học. Một số chuyên ngành có thể được xây dựng trên cơ sở hợp tác đào tạo với các bệnh viện, viện nghiên cứu, trung tâm tư vấn, điều trị tâm lý… như Tâm lý học cho người cao tuổi - một hướng đào tạo rất cần thiết cho tương lai. Mặt khác, Khoa nên có biện pháp thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động trong việc xây dựng các CTĐT. Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã thay mặt lãnh đạo Nhà trường phát biểu đánh giá cao tâm huyết mà các khách mời, các thầy cô giáo và các học viên cao học, NCS của Khoa Tâm lý học thể hiện tại Hội nghị.PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại hội nghị
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh đến thực tế là đào tạo SĐH của Nhà trường, ĐHQGHN nói riêng và của các trường đại học khác trong những năm gần đây có xu hướng bão hòa, giảm số lượng người học ở tất cả các nhóm ngành. Điều này gây khó khăn và áp lực không nhỏ cho các cơ sở đào tạo. Một trong những nguyên nhân chính là xu hướng chưa đi vào thực chất của người học. Học viên có ý thức đi học là để đầu tư cho tương lai, học để làm việc, do đó ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với cơ sở đào tạo. Điều đó gây sức ép lên cơ sở đào tạo phải đổi mới việc dạy-học và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh đó, việc Khoa Tâm lý học tổ chức một hội nghị có sự tham góp ý kiến từ nhiều phía là một điều rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Khoa. Trường ĐHKHXH&NV đặc biệt quan tâm đào tạo SĐH và định hướng đào tạo SĐH phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tâm lý học là một ngành vừa gắn với lý thuyết nghiên cứu chuyên sâu vừa phải có tính ứng dụng thực tế cao. Nhà trường ủng hộ Khoa có những điều chỉnh để tăng tính ứng dụng, tăng thời lượng thực tập, thực tế trong chương trình học. Về cách thức tổ chức, vận hành CTĐT, Nhà trường đã và đang cải tiến quy trình đào tạo sao cho linh hoạt, đáp ứng những đặc thù đào tạo riêng của các chuyên ngành định hướng ứng dụng, kể cả về mặt thời gian thực tập cho đến cơ chế gắn kết giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành. Đối với đào tạo NCS theo quy định mới, Nhà trường đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy công bố quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ và NCS như hỗ trợ lên đến 250 triệu cho một ấn phẩm xuất bản tại NXB nước ngoài. Về việc xây dựng các ngành học mới, Phó Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ quan điểm của Nhà trường: bên cạnh việc giữ vững chất lượng đào tạo những ngành khoa học cơ bản giàu truyền thống, Nhà trường sẽ xây dựng thêm các chuyên ngành đào tạo mới mang tính ứng dụng cao, phù hợp xu thế xã hội. Khoa Tâm lý học có thể nghĩ đến ý tưởng kết hợp với các ngành khác trong trường như Công tác xã hội, Nhân học… để xây dựng các chuyên ngành mới.Nguồn tin: www.ussh.vnu.edu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn